Saturday, July 23, 2016

Cờ người

Lịch sử hình thành đội cờ Người TPHCM Cờ Người (một loại Cờ Tướng mà trong đó, Người được sử dụng như là quân cờ và nền đất hay sàn nhà... thumbnail 1 summary
Lịch sử hình thành đội cờ Người TPHCM

Cờ Người (một loại Cờ Tướng mà trong đó, Người được sử dụng như là quân cờ và nền đất hay sàn nhà được xem là bàn cờ ) được chơi trong những dịp lễ , tết hay hội hè dựa trên cơ sở là Cờ Tướng. Trong cờ Tướng thông thường , bàn cờ được làm bằng gỗ, nhựa, ngà voi .... Nhưng trong cờ Người, những quân cờ bao gồm 16 thanh niên khỏe mạnh và 16 cô gái xinh đẹp. Họ được điều khiển bởi tiếng trống trận được đánh bởi trọng tài mặc y phục màu đỏ và dải buộc đầu màu vàng . Người tường thuật phải thông thạo về bình luận cờ và quan trọng hơn là phải biết điều khiển quân cờ . Thông thường người bình luận mặc áo choàng màu xanh với tay áo rộng, vẫy lá cờ cho trận cờ Người bắt đầu. 32 nam nữ thanh niên là 32 quân cờ di chuyển vị trí khi có hiệu lệnh . Mỗi thế di chuyển là một bài quyền, mỗi nước cờ ăn quân là một trận tỷ võ kinh thiên động địa.


Năm 1987, các thầy Quách Anh Tú, Lê Thiên Vị phối hợp cùng CLB võ thuật NVH Thanh Niên TP HCM, võ sư Lê Văn Vân bộ môn Sa Long Cương và lão võ sư Từ Thiện, võ sư Hồ Tường thuộc bộ môn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà phối hợp thành lập CLB cờ Người đầu tiên tại NVH Thanh Niên. Sau đó cố lão võ sư Từ Thiện cùng võ sư Hồ Tường giao cho võ sư Phan Văn Trung làm đội trưởng thành lập CLB cờ Người TPHCM đi biểu diễn suốt từ đó đến nay.

Thi đấu biểu diễn cờ Người

Chương trình biểu diễn 1 trận cờ người bao gồm các tiết mục thật hấp dẫn : múa Lân khai mạc song hỷ, lộn xuyên vòng lửa, quân cờ cầm cờ múa bài đồng , song đấu binh khí , bày trận nghinh chiến ...Phong cảnh giao chiến của quân xanh và quân đỏ rất hoành tráng : cờ xí rợp trời, tay lăm lăm gươm giáo, trống, chiêng.... Một nước di chuyển trong ván cờ là một bài quyền cước hay sử dụng binh khí.

Binh khí sáng giới, mũ khiên chỉnh tề, đồng thanh quyết đấu với đối phương để bảo vệ Tướng là nét đặc sắc của đội cờ người TPHCM mà không nơi nào có được. Mỗi lần ra chuẩn bị thi đấu cũng là mỗi lần quyết tử , mỗi nước ăn quân hay thí quân là dịp các quân cờ thể hiện một bài song đấu với những đòn thế khó khăn, có thể gây chấn thương bất cứ lúc nào.


Sử dụng binh khí để biểu diễn trong thi đấu là một phần hấp dẫn của cờ Người Phương Nam. Đây là nét độc đáo khác với cờ Người ( cờ Bỏi) ở các lễ hội Miền Bắc . Biểu diễn cờ Người Miền Nam luôn là những trận tỷ thí võ công không nhân nhượng, quyết đấu gây hồi hộp cho khán giả ở bốn phía khán đài. Bạn thấy đấy , không khí của một trận cờ Người sôi nổi và nghẹt thở khác hẳn với không khí trầm mặc của một ván cờ Tướng thông thường...

Đời thường của những quân cờ Người

Có dịp cùng đội cờ Người TPHCM đi thi đấu biểu diễn tại nhiều nơi , ấn tượng đậm nét nhất của chúng tôi lại là những câu chuyện bên lề của những pha biểu diễn đẹp mắt...Ít ai biết , đằng sau những đòn đánh được khán giả tán thưởng nhiệt liệt ấy là nhiều năm trời khổ luyện , mồ hôi , nước mắt và cả máu nữa... Nhìn bàn chân đầy những vết sẹo cùng ngón chân vừa bị lật móng máu chảy ướt đỏ của một em võ sinh , bên tai tôi còn nghe thoảng lời của võ sư Phan Văn Trung : " Mỗi pha thi đấu của các em là mỗi lần lo lắng anh ạ, dù đã tập luyện dạy bảo các em nhiều năm , nhưng đao kiếm vô tình , chỉ cần 1 sơ sảy nhỏ là nguy hiểm khó lường ..."


Và cũng ít ai biết , để có được 1 buổi biểu diễn như vậy , thầy Trung , thầy Khoa và các em học trò đã miệt mài nhiều năm trên sàn tập . Sơ lược Giáo án huấn luyện VĐV Cờ Người Sơ cấp như sau :
Tháng 1 : Đòn căn bản, đạp thẳng, đạp ngang, óng, 8 thế tấn,
Tháng 2 : Té căn bản, sấp, ngửa, vượt chướng ngại, loan gậy ngắn, học những bài xoa bóp đơn giản khi bị chấn thương trong quá trình luyện tập.
Tháng 3 : Phóng đạp, bay óng láy, đạp láy, bài quyền Tứ Trụ, thể lực.
Tháng 4: Kiểm tra chương trình 3 tháng trước đó. Loan 2 cây. đòn gậy ngắn căn bản. Học cách di chuyển quân Cờ.
Tháng 5 : Vượt chướng ngại nhiều người, các thế đao căn bản ( 20 thế ), bài biểu diễn cơ bản 1,2,3.
Tháng 6 : Tế sấp, té ngửa mức độ khó, Các thế roi căn bản (20 thế ),bài quyền ,Long Hổ, Liên Hoa,
Tháng 7 : Chọn các quân di chuyển, huấn luyện phong cách té. Bắt cặp chỉ vài nét té cơ bản của biểu diễn ( óng té, đạp thẳng té, quăng gót té…). Bài đồng diễn 1.
Tháng 8 : Lộn vỏ xe, tập luyện di chuyển với binh khí thật, lăn khiêng, Truyền đạt tầm quan trọng của cờ Người, nét văn hoá cổ truyền của Việt Nam.
Tháng 9 : Chọn các cặp tương xứng tập bài biểu diễn. Tập luyện bài 4,5,6 cơ bản
Tháng 10 : Kiểm tra các bài biểu diễn chọn lọc và chỉnh sửa.
Tháng 11 : Lộn vòng lửa thật, bài quyền Yến Tử, Tứ Linh Đao. Học di chuyển bằng Lân.
Tháng 12 : Kiểm tra kết quả, biểu diễn bàn cờ thật . Tuyển chọn VĐV tiêu biểu tập luyện sang giáo trình Trung cấp.

Cùng ăn cùng ở với đội cờ Người TPHCM , chúng tôi bắt gặp nhiều hình ảnh cảm động.. Hiếm có đội thể thao nào sống chan hòa với nhau như một gia đình như thế này , cả bốn thế hệ thầy trò , cha ông, con cháu... cùng chung một đội . Các em rất tự giác kỷ luật , lễ phép , biết sống chan hòa tập thể....dù cuộc sống còn rất kham khổ. Khó khăn nhất hiện tại của CLB cờ Người TPHCM là các quân cờ không sống được bằng nghề . Các dịp lễ hội trong năm để biểu diễn cờ Người vốn đã ít , loại hình đậm nét văn hoá nghệ thuật Việt Nam này lại còn chưa được nhiều người biết đến !

Hy vọng tương lai , đội cờ Người TPHCM sẽ được nhìn nhận một cách xứng đáng như những người bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc. Sẽ được nhiều cơ quan, đơn vị, tập thể yêu thích Cờ Tướng biết đến và tạo điều kiện cho đội có nhiều dịp biểu diễn hơn nữa.

( Nguồn: vietnamchess.vn )

No comments

Post a Comment