KHÔNG ĐẬP ĐẦU CHỐT
Cách nay đã lâu – Chừng hai mươi năm có dư, khi tôi còn trẻ trung, có lần tôi gặp một cụ già. Tên thật của cụ không rõ là gì, chỉ nghe mọi người xung quanh gọi cụ là bác Chín nên tôi cũng gọi cụ như thế.
Bác Chín ở huyện Hàm Tân (La Gi) thuộc tỉnh Bình Tuy cũ, nay thuộc tỉnh Bình Thuận. Được biết bác Chín là người cao cờ nổi tiếng cả tỉnh Bình Tuy, đã từng thủ hòa với danh thủ Việt Nam Lý Anh Mậu (lúc đó Lý Anh Mậu là Tượng Kỳ Viện Sài Gòn, Biên Hòa), tại Giải trí trường Thị Nghè vào những năm 1959, 1960. Tôi và bác Chín đã có trao đổi về nghệ thuật cờ tướng và đúng là tiếng đồn không sai – những ván cờ bác Chín thủ hòa với Lý Anh Mậu tại cuộc thi đấu ở Giải trí trường Thị Nghè bác Chín còn nhớ như in trong tâm trí. Bác Chín đã đi lại ván cờ đó cho tôi xem từ nước sơ khởi cho đến nước kết thúc.
Tôi tấm tắc thán phục:
- Ván cờ này bác Chín xuất quân khai cuộc rất vững, còn ở trung cuộc thì có nhiều nước sáng tạo rất hay. Qủa là “danh bất hư truyền”.
Được tôi ngưỡng mộ nhưng bác Chín không tỏ thái độ khoái chí mà lại tỏ ra hối tiếc, Bác nói:
- Không hay đâu: Lý ra bác đã thắng nhưng vì đi sai một nước chốt nên Lý Anh Mậu mới thủ hòa được. Tuy vậy, hồi đó khán giả cũng hoan nghênh tán thưởng ghê lắm.
Tôi trầm ngâm suy nghĩ một lát để tìm nước đi sai lầm của bác Chín. Tôi hỏi:
- Có phải do nước đi sai lầm là chốt 5 bình 4 mà lý ra phải đi chốt 5 tấn 1 ăn sĩ?
Bác Chín gật đầu:
- Phải đó. Cơ hội làm bàn để thắng kiện tướng Lý Anh Mậu không còn nữa. Bác cứ ân hận mãi mà cũng vì thế mà ván cờ này bác không bao giờ quên được.
Tôi động viên bác:
- Không thắng, nhưng hòa được với Lý Anh Mậu thì cũng tốt rồi.
- Thì cũng được thôi, nhưng tiếc là vì mình không chịu suy nghĩ, bỏ lỡ đi một dịp “làm bàn” hiếm có.
- Có tiếc rẻ thì dịp may đó cũng không còn nữa, ở đời ai mà chẳng mắc phải sai lầm.Đó chính là những bài học kinh nghiệm nhớ đời nhắc nhở mình luôn phải cẩn trọng trước những danh thủ.
Trong những ván cờ tôi và bác Chín đấu giao hữu, có khi hứng chí tôi đập quân chốt của bác một cái “cốc” nên thân, bác Chín liền ngừng cuộc cờ và đi lấy dầu xoa đầu cho quân chốt vừa bị tôi bắt.
Tôi lấy làm lạ, cứ tưởng bác Chín giận nên xin lỗi:
- Cháu vì hứng chí nên nặng tay, xin bác Chín thứ lỗi.
Bác Chín ôn tồn:
- Tôi đâu có giận cậu, nhưng nghĩ tội nghiệp con chốt quá. Xức dầu cho nó là để tỏ lòng quí trọng nó đó chớ.
- Quân cờ làm bằng sừng vô tri vô giác mà bác Chín làm như quân cờ là con người vậy? Tôi hỏi.
- Thế thì cậu không hiểu gì cả, bác Chín nghiêm sắc mặt – Cậu đánh cờ có khá thật, nhưng cái đạo lý cờ tướng thì dường như cậu chưa biết gì nhiều.
Lời nhận xét của bác Chín vừa đúng đắn vừa sâu sắc nên làm cho tôi hổ thẹn. Tôi cúi mặt, không còn dương dương tự đắc như trước.
- Quả thật cháu chưa hiểu cái gì gọi là đạo lý cờ tướng cả. Xin bác vui lòng chỉ giáo.
Thấy tôi thật lòng muốn học hỏi bác Chín mới nói tiếp:
- Trong cờ tướng có nhiều loại quân cờ như cậu biết đó. Ngoài tướng là thành phần độc tôn vì quí giống như vua của một nước thì còn có sĩ, tượng, xe, pháo, mã, chốt. Nếu nói về tôn ti trật tự thì cao nhất là tướng rồi mới đến sĩ, tượng, xe, pháo, mã và cuối cùng là quân chốt. Chốt là hàng binh lính. Người ta sẵn sàng thí chốt bất cứ lúc nào. Người ta xem chốt như con vật hy sinh. Khi nào thấy có lợi thì họ thí chốt. Chỗ nào nguy hiểm thì đẩy chốt tới trước, giống như con chó săn thui thủi vào bờ bụi để bắt con mồi cho chủ dẫu có chết cũng không trốn chạy. Người ta không hề biết quý trọng quân Chốt. Người ta yến tiệc linh đình mừng chiến công. Vua quan tướng tá chỉ biết hỉ hả, có ai để ý nhớ tới quân chốt đã hy sinh để cho họ được sung sướng đâu.
Bác Chín trầm ngâm, tư lự, không nói nữa. Một lúc lâu sau, bác Chín nhìn tôi, rồi hỏi:
- Cậu thấy sao? Nhân tình thế thái như vậy có được không?
- Như vậy thì bạc nghĩa quá. Tôi trả lời.
- Vậy mà quân chốt nó nghĩ sao cậu có biết không?
Ôi! Câu hỏi thật là hóc búa. Quân chốt được làm bằng gỗ, hoặc sừng, quí lắm thì cũng bằng ngà voi thôi. Những thứ đó đều là vật vô tri vô giác thì làm gì có suy nghĩ được. Tôi cứ ngỡ bác Chín già rồi lẫn thẫn, nên tôi hỏi lại:
- Bác Chín hỏi đùa cháu phải không?
- Đâu có đùa. Tôi hỏi thật chứ.
Bác Chín lặp lại câu hỏi – Quân chốt nó suy nghĩ gì cậu có biết không?
- Cháu xin chịu – có gì xin bác chỉ giáo cho.
- Nếu cậu không biết thiệt thì tui nói cho cậu nghe. Bác Chín đằng hắng rồi tiếp – Quân chốt nó chỉ có một ý nghĩ là lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tướng. Biết rằng đi vào chỗ chết nhưng lúc nào nó cũng tuân lệnh tiến lên chứ không bao giờ chịu thụt lùi. Cậu thấy có đúng không?
Lúc này tôi mới vỡ lẽ:
- Đúng ạ! Bác Chín phân tích thật chí lý. Vì bác hiểu được quân chốt suy nghĩ như vậy nên bác mới xức dầu xoa dầu cho quân chốt chứ gì?
- Đúng thế. Có được chiến công thắng lợi trước tiên phải ghi công đầu cho quân chốt chứ. Mình phải biết quí trọng quân chốt. Bác Chín cười rồi tiếp – Chứ ai lại nhè đầu quân chốt mà đập như cậu vậy. Bây giờ cậu đã phần nào hiểu được đạo lý của cờ tướng chưa?
- Dạ cháu hiểu rồi ạ! Từ nay về sau cháu xin chừa không bao giờ dám đập đầu quân chốt nữa. Nhưng thưa bác Chín ngoài quân chốt ra còn tất cả các quân cờ khác cháu có thể đập đầu chứ?
- Đập tuốt. Vì trừ quân chốt ra thì các quân cờ còn lại dẫu thiện chiến như xe, pháo, mã, sĩ, tượng đều chạy lui hết. Hễ thấy thắng thì tiến lên, còn thấy bại thì thụt lùi.
- Còn tướng thì sao bác Chín? Có được đập đầu không hở bác?
- Đập tuốt luôn – Bác Chín cười thoải mái. Vì tướng cũng thụt lùi như các quân cờ khác vậy. Cái đạo lý của cờ tướng là quý trọng sự trung thành, cái dũng cảm dám hy sinh thân mình cho sự sinh tồn của Tổ quốc mà không hề nghĩ tới một tí lợi riêng tư nào, như quân chốt ấy vậy.
- Xét cho cùng cái đạo lý của cờ tướng cũng sâu sắc quá bác Chín nhỉ!
- Đúng thế. Nếu nghệ thuật cờ tướng không phong phú và sâu sắc thì làm sao nó tồn tại hàng mấy ngàn năm qua cho được.
Từ dạo chia tay bác Chín đến nay, tôi chưa có dịp nào gặp lại bác. Không biết bác Chín có còn không. Tuy nhiên cái đạo lý cờ tướng mà bác đã dạy bảo hôm nào thì vẫn còn đọng mãi trong tôi. Cũng như kể từ ngày ấy tôi biết khiêm tốn hơn, không muốn tranh hơn thua với ai. Đánh cờ chỉ cốt để tìm hiểu cho am tường bộ môn nghệ thuật phong phú của người xưa, rút ra cho được cái sâu sắc tiềm ẩn trong đạo lý của cờ tướng và tìm ra được những cách ứng xử hợp với đạo lý của cuộc đời.
( Theo Dương Diên Hồng - " kỳ đạo - nghệ thuật cờ tướng " )
cho hỏi tác giả viết ra bài vi hay sưu tầm mà hay quá !!!
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDelete