Cờ Tướng là trò chơi được ưa chuộng và phổ biến trên toàn thế giới hiện nay. Với tính năng sát phạt vui nhộn và giải trí cao, cờ Tướng mang lại cho người chơi những phút giây thư giãn bổ ích và tuyệt vời nhất. Đến nay, cờ Tướng đã chinh phục được trái tim của nhiều người chơi ở mỗi độ tuổi khác nhau và nhiều tay chơi đã trở thành kỳ thủ trong bộ môn này, đưa tên tuổi vang xa trong làng cờ. Trong đó, Việt Nam cũng là một quốc gia yêu mến bộ môn này và Trần Quới được xem là thiên tài cờ Tướng tài hoa, bạc mệnh.
Danh thủ Trần Quới sinh năm 1957 tại Sài gòn. Cha là kỳ thủ Trần anh Minh (thường được gọi là Lác) cũng là một cao thủ Sài gòn xưa. Ngay từ thời nhỏ, Trần Quới đã thường xuyên xem cha mình đánh cờ và đã sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm.
Trần Quới vào đời rất sớm, chỉ 11 hay 12 tuổi đã cầm con cờ kiềm sống. Năm 1978, Trần Quới mới có được thành tựu ban đầu là vô địch giải toàn thành (TPHCM) lúc ông 21 tuổi. Trận chung kết với danh thủ Hứa kim Thành (còn gọi Tiều Nam vang) diễn ra giằng co đến ván thứ 5 thì Trần Quới mới thắng được đối thủ trong một ván cờ kéo dài 123 nước.
Thời kỳ này, Quới mạnh dạn đi giang hồ từ các tỉnh, thành phía nam ra các tỉnh miền trung. Bất cứ nơi nào có tay cờ nổi tiếng, Quới đều tìm đến khiêu chiến. Các cao thủ miền trung nổi tiếng lúc bấy giờ như Nguyễn Thọ Phú, tức Xí (Nha trang), Nguyễn Minh Trưng (Bình định), Phan Hiền Khánh (Phan thiết), Hà Hồng Quan (Mỹ tho)… đều đã so tài và tất cả đều là bại tướng của Trần Quới.
Năm 1979, nhà Văn hóa quận 1 tổ chức một giải cờ Tướng dành cho tám danh thủ hàng đầu của tp HCM, ngoài Trần Quới còn có một số danh thủ như Phạm Nam Đài, Phạm Tấn Hòa, Trần Chí, Lê Văn Tám… kết quả cuối cùng Trần Quới cũng chiếm được hạng nhất.
Tháng 4/1988 hai danh thủ Hà Nội là Nguyễn Tấn Thọ và Đinh Trường Sơn vào thăm thành phố HCM. Liên đoàn cờ thành phố HCM phối hợp với Phòng TDTT Quận 1 (nay là Trung tâm TDTT quận 1) tổ chức một cuộc thi đấu giao hữu tại Câu lạc bộ 116 Nguyễn Du quận 1. TpHCM. Trong đó, trận cờ giữa danh thủ Nguyễn Tấn Thọ và Trần Quới được đặc biệt chú ý nhiều nhất vì đây là một cuộc so tài giữa hai kỳ vương của hai miền Nam, Bắc. Trận cờ giữa danh thủ Nguyễn Tấn Thọ và Trần Quới diễn ra hết sức sôi nổi, mọi người hồi hộp theo dõi từng nước đi diễn ra trên bàn cờ và những tiếng bình luận, cãi vã lẫn phê bình theo suy nghĩ của mình râm ran trong các hàng ghế khán giả đã làm cho cuộc cờ vốn hấp dẫn càng hấp dẫn hơn. Cuối cùng hai ván cờ giao hữu đều đưa đến kết quả hòa nhau, không ai dám mạo hiểm nên không bên nào mở được tỷ số.
Tháng 7 năm 1988, Trần Quới đã quyết định vượt biên vì mắc quá nhiều nợ. Chuyến đi đó đã lấy mất của làng cờ Việt nam một thiên tài trăm năm có một. Trần Quới chính là điển hình rõ ràng cho cái mà người ta hay nói là : có tài mà không gặp thời hay là… ông trời khi ban cho một người cái này thì ngài lại lấy đi cái khác. Có người nói : Sự khôn ngoan giúp ta tồn tại, đam mê giúp ta sống. Danh thủ Trần Quới đã sống 31 năm trọn vẹn với niềm đam mê của mình, dù sao cũng hơn là tồn tại vật vờ 62 năm, kể ra cũng không uổng một kiếp người…
No comments
Post a Comment