Ðó là khi cả 2 Mã cánh tả và cánh hữu cùng nhảy lên vị trí 3 và 7, hình thành một bức bình phong ngăn cản những đợt tấn công dồn dập của đối phương. Chính ở những vị trí này, Mã chấp nhận bị đè, bị che chắn ngang tầm mắt không một chút phàn nàn, than vãn. Mã đã học được chữ "nhẫn" trong giai đoạn đầu của kỳ cuộc.
BÌNH PHONG MÃ: GIỮA SÓNG GIÓ CUỘC ĐỜI
Đã quyết định nhập thế để tung vó câu muôn dặm vào đời rồi thì phải kể đến sự kiên trì chống trả bền bỉ thế công của địch trong một giai đoạn, hoặc tối thiểu cũng là đến giai đoạn trung biến, để rồi sẽ có cơ hội phi nước đại và vươn lên chiếm lĩnh trận địa ở một vị thế thuận lợi hơn! Trong giai đoạn này, kỵ binh Mã như tỏ vẻ hiếu hoà, không muốn gây nên lắm sự hiềm thù khích bác ai cả. Mã kiên trì gìn giữ được những vị trí trọng yếu của phòng tuyến quân nhà, đó những vị trí tiền phương như Chốt 1, Chốt 5, Chốt 9, hay những vị trí của lực lượng phòng vệ như Sĩ 4, Sĩ 5, Sĩ 6, hoặc ngay cả những vị trí của quân chủng chủ lực chiến Xa khi đã xuất đầu lộ diện: Xe 1 hay Xe 9, bình 1 hay tấn 1 đều ở trong tầm gìn giữ bảo an của Mã. Thế trận phòng ngự của hậu thủ bèn là trở nên bình ổn, vững như bàn thạch, rõ ràng là nhờ công lớn của kỵ binh Mã. Sự hoà nhã của Mã trong trường hợp này có thể làm nản lòng đối phương bởi sự công phá hung hãn đã trở nên vô tác dụng. Mã đã hoá giải được hết những đợt công kích được xuất phát từ bên phòng tuyến đối địch. Cho dù đối phương có bộc lộ những ý tưởng đe dọa, hoặc ngấm ngầm triển khai ý đồ tưởng như sẽ là dạy cho Mã một bài học, thì cũng chỉ là vô ích mà thôi, bởi sự ôn nhu nhún nhường của Mã lại chứa đựng một sức mạnh nội tại làm địch thủ phải kiêng nể. Nhớ lại rằng bình phong Mã khi đã chấp nhận bị đè, bị che ngang tầm mắt, thì tưởng như không có khả năng vượt thoát thăng hoa. Nhưng nếu đối phương mất cảnh giác, tự tháo khăn bịt mắt Mã, điều động chiến Xa hoặc khẩu đại Pháo sang vị trí khác, thì cầm bằng như, nghiễm nhiên là tam hoặc thất lộ đã được khai thông rồi, và không còn gì có thể cản được kỵ binh Mã ngay lập tức tung vó rong ruổi vượt lên như vũ bão, tiến vào thế cuộc đối công rất dũng mãnh. Lúc đó thì đối phương có hối cũng không còn kịp nữa. Như vậy, bình phong Mã, chính là sự ôn hoà cần thiết (của hậu thủ) để đối đầu với sự dữ dội cuồng phong bão táp do đối phương áp đặt lên phòng tuyến của mình. Và cho tới khi thế công của địch đã mòn mỏi dần đi, nhuệ khí thoắt chốc tàn lụi bởi không thể đạt được sự ưu thắng như mong đợi, thì giá trị của bình phong Mã mới dần dần lộ rõ. Như người võ sinh học theo môn phái Judo của Nhật Bản vậy, biết lấy nhu chế cương, lấy tĩnh khắc động, để qua đó bộc lộ một tính cách cao thượng và đức tự chủ rất đáng quý trọng.
Bình phong Mã, là thế trận phòng ngự đối công hiệu quả nhất của hậu thủ, để chống lại Pháo đầu của tiên thủ, mà chung cục thường là dẫn tới hoà cờ (nếu bên Tiên thủ cũng "ngộ" được rằng không cách chi thắng đặng, thì nên tự toàn gìn giữ lấy thân, kẻo cứ mải mê chém giết thì sẽ bị thua ngược rất đáng tiếc). Sự khiêm nhu nhún nhường ẩn chứa tiềm tàng sức mạnh bên trong, đó là ý nghiã của thế trận Bình phong Mã. Nói cách khác, bằng một phong thái ôn nhu khoan hoà, nhưng vẫn không kém uy lực, người kỵ sĩ đã chứng tỏ được bản lãnh xuất chúng của mình rồi vậy.
ĐƠN ĐỀ MÃ: KIÊN VỮNG BỀN GAN LẬP CHÍ
Khi Mã 8 hay Mã 2 từ vị trí khai cuộc nhảy lên vị trí 1 (bên phải) hoặc 9 (bên trái) thì bèn được gọi là tả hoặc hữu đơn đề Mã. Ở 2 vị trí này Mã có vẻ như bị lãng quên, dường như không ai ngó ngàng chi đến Mã cả. Mã hiền hoà, an phận, nép mình trước ngưỡng cửa cuộc đời, như không màng chi đến tranh chấp ở trung lộ. Và nếu như cửu lộ Chốt 9 hay nhất lộ Chốt 1 chưa được khai mở thì đường hoạn lộ của tả hữu đơn đề Mã này còn là bế tắc đến gấp mấy lần. Nhưng phần số thăng hoa của (tả hữu) Đơn đề Mã lại không ở vào giai đoạn khai cuộc, mà là lệ thuộc vào giai đoạn trung biến và thậm chí ở cả giai đoạn tàn cục quan yếu về sau. Sự ám quân phục binh phòng khi hữu sự quả là ý tưởng thâm hậu mà chủ soái đã dành cho Đơn đề Mã. Mã không cần phải khua chiêng dóng trống phất cờ như tiền quân tiên phong mở đường chinh phạt, mà đành là Mã im hơi lặng tiếng chờ đợi thời điểm mà lịch sử dành riêng cho mình. Vì thế, nếu có kẻ bàng quan nào đôi phen tỏ vẻ khinh nhờn về sự nhẫn nại của Đơn đề Mã, đó là do họ chưa hiểu được chí lớn của người kỵ sĩ, trong một bối cảnh rối rắm của cuộc cờ đang tranh chấp quyết liệt, và Đơn đề Mã lúc đó như là "rồng còn ở trong ao tù vậy" (Lưu Bị trong Tam Quốc Chí). Chỉ tới khi rồng quẫy khúc vượt lên không rồi thì lúc đó đối phương chỉ có đưa mắt nhìn theo với lòng tiếc hận mà thôi. Có kỳ thư (đã thất truyền?!) chép rằng: Khi lực lượng 2 bên còn đang đồng quân, đồng thế, chiếm điểm công ứng bằng nhau, thế trận ngang ngửa, chưa biết ai thắng. Vậy nếu bên nào muốn thắng thì phải biết cách vận sức vận công lấy gân trước bên kia, rồi dồn khí lực vào đan điền, đoạn tung một chưởng kinh hồn (!), là thắng. - Thế vận sức lấy gân để dồn khí lực vào đan điền nghĩa là nước đi khai thông Nhất hoặc Cửu lộ Chốt : Chốt 9 (hay 1) tấn 1. - Rồi tung một chưởng kinh hồn nghĩa là nước đi: Mã 9 (hoặc 1) tấn 8 (hoặc 2), bèn là sẽ dành phần thắng. Đơn đề Mã, hay là Mã-một-vó, như đã nhận định, là lực lượng dự phòng cho công cuộc trường chinh.
Vậy mà cũng có kẻ ngồi bên đường chờ nhìn móng ngựa văng ra để cười, nhưng rồi đoàn lữ nhạc đã đi xa (lời của cố danh cầm Guitar Flamenco Việt Nam Hoàng Bửu), thì đó đúng là hình ảnh hào hùng của Tả Hữu Đơn đề Mã, khi giờ đã điểm, tung vó tiến vào trận như cuồng phong cát bay đá lở. Và khi đối phương còn đang mải mê cười cợt, miệng còn chưa ngậm lại kịp đã thấy lưỡi đại đao lạnh ngắt kề ngay bên cổ rội Lúc đó thì đối phương chỉ còn có nước cởi giáp quy hàng mà thôi, rồi đành đoạn vươn cổ chịu thác vậy.
Đó là ý nghiã của thế khai cuộc Đơn đề Mã, là hình ảnh người anh hùng khi chưa gặp vận hội phong vân. Chỉ cho tới khi thời cơ đã tới, lực lượng quân nhà công thủ lưỡng diện bình ổn, sự xuất hiện của viện binh (tả-hữu) đơn đề Mã sẽ tức thời làm thay đổi thời cuộc. Thời thế tạo anh hùng chính là đó. Nghĩa là lúc mà hạnh vận đã hanh thông rồi thì giá trị của Đơn đề Mã mới bộc lộ tỏ tường, để không uổng công phu hàm dưỡng tu luyện lên tới mức thượng thừa, với nội lực cao cường, võ nghệ cao siêu, mà người đời không thể tưởng tượng hay thấu hiểu đặng.
MÃ ĐỘI: NÊN CÔNG HAY ĐÁNG TỘI?
Cũng có khi Chốt 5 tiến lên, nhường vị trí cho Mã 3 hoặc 7 nhảy vào vị trí sau lưng, và án ngữ trước mặt Pháo đầu, thì Mã này bèn được gọi là Mã đội. Phương án này của đấu thủ là nhằm công phá thẳng vào trung lộ đối phương. Thế công rất mạnh. Khi đối thủ thượng voi hoặc ghểnh sĩ tạo thành thế thủ thụ động, thì lập tức Mã đội sẽ được điều động để thực hiện ý đồ trên, với tầm sát thủ được tạo ra bởi những khẩu đại pháo ở tuyến sau. Vai trò của Mã đội trong trường hợp này khá là khiêm tốn, bởi với nhiệm vụ chỉ làm ngòi cho kẻ khác lợi dụng thì nếu có thành sự, công trạng của Mã sẽ chẳng được đáng kể là bao. Mã đội có thái độ như phải chịu cúc cung, phục tùng, khiêm tốn nép mình chịu làm một thứ "con đội" cho kẻ khác được dịp tâng công, lấy điểm. Mã đội tự thân đã phải gánh chịu mọi sự hiểm nguy rình rập, đem thân mình phơi bày ra trước trận tiền, cho đối phương tha hồ nhìn ngó, bình phẩm với lòng căm ghét và khinh khi, oán hờn khôn tả. Mã chưa tạo nên sự gì nguy hiểm cho đối phương, Mã cũng chưa hăm dọa tiêu diệt một đối tượng nào, nhưng Mã đã tạo điều kiện cho kẻ khác dấu mặt ẩn thân, ném đá dấu tay, gây nên mối hiểm nguy khôn lường về phiá đối phương. Có thể Mã sẽ bị tiêu diệt ngay sau đó tức thì, vì Mã đã thực hiện một nước đi có tính cách dò dẫm, thách thức, khích bác đối phương, trong khi tự thân Mã vẫn còn bị che ngang tầm mắt, đường tiến thủ vẫn còn bị hạn hẹp và nếu có bị công kích thì cũng không thể nhảy nhót né tránh vào đâu được. Mã đội phải làm như ra vẻ tận tụy, hết lòng vì ích lợi chung, vì sự nghiệp chung, để rồi nếu có thành công, thì vai trò của Mã đội cũng được gọi cho là có đóng góp chút đỉnh(!). Sự căm ghét và khinh thường, bỉ thử của đối thủ dành cho Mã đội quả thật không phải là không có căn cứ. Vì, thật ra, ở vị trí làm "trái độn" cho kẻ khác lập công thì cũng chẳng vinh quang gì. Đó là hình ảnh của kẻ vong thân, đánh mất chính bản thân mình, khi phải khiêng voi cõng rắn trên lưng mà đành cắn răng không dám hé môi thốt lên một lời than vãn. Ngựa khuỵu gối mòn mỏi, lặt lè bước nặng, gập ghềnh trên đường vô định. Tiền đồ (khai cuộc) của Mã đội đã như vậy thì hậu vận (tàn cuộc) có lấy chi làm hứa hẹn, sáng sủa? Nhưng có vẻ Mã đội chỉ cần quan tâm đến mục đích và cứu cánh của cuộc cờ mà thôi, còn mọi lời thị phi của người ngoài xem như chẳng màng đến. Và Mã vẫn mặt mày lơ láo lấy sự đội làm mục đích tiến thủ, quyết đeo đuổi tới cùng. (Rõ là Thân lươn bao quản lấm đầu! Kim Vân Kiều truyện).
Số phận của Mã đội có lắm phen cũng lâm vào hiểm nghèo như khi chiến Xa đối phương được lập tức điều động tới kìm kẹp ngay bên cạnh, rồi phía bên nữa có một khẩu đại Pháo hung ác phiá sau sẵn sàng nhả đạn tiêu diệt. Nếu Mã đội sợ thác thảm oan uổng thì thôi hãy khiêm cung thoái bộ, hạ Mã, thối lui trở về vị trí bình phong như cũ, ít ra cũng còn giữ được lòng tự trọng, nhược bằng cứ khăng khăng xin được "đội cho tới thác" thì đối phương sẽ chuẩn y cho.
Mã đội cũng có thể là hình ảnh của người kỵ sĩ vẫn như còn trong thủa hàn vi, chưa gặp lúc được tung hoành, đắc dụng, để đem sở học ra giúp đời. Người kỵ sĩ chỉ vì muốn nhắm đến đại cuộc mà sẵn sàng bỏ qua hết những tiểu tiết không đáng kể. Người phi thường thì có một quá khứ khác thường, là hình ảnh Tướng quốc Hàn Tín xưa, cắp gươm xin cơm Phiến Mẫu, chịu luồn trôn gã bán thịt, mà không nghĩ đến chữ "nhục". Chiến thắng khắc địch, đó là mục đích duy nhất mà Mã đội nhắm đến. Ngoài ra, tất cả đều là... chuyện nhỏ. Nên công hay đáng tội, điều đó còn tùy ở từng quan điểm của mỗi người khi lạm bàn về Mã đội. Vì thật ra, cuộc cờ vẫn còn chưa kết thúc...
Pham Kana
No comments
Post a Comment