Wednesday, August 24, 2016

Hội Cờ tướng Nghĩa Dũng

Các cụ truyền lại, từ xa xưa làng Rọng, nay là thôn Nghĩa Dũng thuộc xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương là nơi thịnh hành môn cờ tướ... thumbnail 1 summary
Các cụ truyền lại, từ xa xưa làng Rọng, nay là thôn Nghĩa Dũng thuộc xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương là nơi thịnh hành môn cờ tướng. Đình đám tháng 3 hằng năm, ngoài 2 sân cờ người (chơi cờ tướng với các quân cờ bằng người thật, sắc phục đúng với vai trò thể hiện trong bàn cờ) còn có hàng chục bàn cờ gỗ thông thường.

Các thành viên gia đình của hội đang chơi cờ

Bên cạnh người trực tiếp chơi cờ, có khá nhiều người xúm xít xung quanh, theo cái vẻ "cờ ngoài bài trong" (đánh cờ tướng do phơi mặt quân cờ nên thường có nhiều người quan tâm, mách nước), làm cho ngày hội thêm đa thanh, đa sắc. Làng Rọng xưa cũng có những người đánh cờ bằng trí nhớ, tức là không dùng bàn và quân cờ, gọi tắt là "cờ mồm". Cờ mồm thường được 2 người chơi trong các trường hợp cùng ngồi nhâm nhi chén rượu, canh điếm, hóng mát đêm... hoặc đi chợ. Ông gánh hàng nan cùng ông gánh hàng chổi rơm cùng thong thả đi, đến chợ vừa xong ván cờ. Nếu chưa kết thúc, lúc đi về, hoặc hôm sau chơi nốt...

Thời kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), hội mùa làng Rọng năm nào cũng nhộn nhịp các bàn cờ tướng, thu hút người làng và cả những kỳ thủ các vùng lân cận. Từ năm 1965, cả nước có chiến tranh, phong trào cờ tướng trong làng lắng xuống, dành thời gian cho sản xuất và chiến đấu.

Về sau, trong số các chiến sĩ bộ đội ra quân trở về xây dựng quê hương làng Rọng, có hai người mang theo thú chơi cờ tướng đã được rèn luyện thêm trong thời gian tại ngũ là ông Nguyễn Xuân Mai và ông Nguyễn Văn Tam. Gặp thêm được ông Nguyễn Văn Trượng, 3 ông trở thành "tổ tam tam" kỳ thủ của làng. Ban ngày đi làm đồng ruộng, tối tối các ông cùng chơi cờ dưới đèn... Cánh trai trẻ mới lớn thấy vậy, rất muốn biết điều gì ở trong chiếc bàn gỗ với 64 quân được bày ra đã làm mê mẩn 3 vị kỳ thủ của làng? Họ mon men học lỏm, rồi được các ông huấn luyện, dần dà làm cho phong trào chơi cờ tướng ở làng Rọng phục hồi. Thập kỷ 1990-2000, kỳ thủ làng Rọng tham dự các hội thi cờ tướng do Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tứ Kỳ tổ chức, đều đoạt giải cao. Trong đó, ông Nguyễn Văn Bắc-quán quân cấp huyện đã nhiều lần được chọn dẫn đầu đội tuyển của huyện đi dự hội thi toàn tỉnh Hải Dương.

Được chính quyền xã Đại Đồng cho phép, đến nay Hội Cờ tướng Nghĩa Dũng (bao gồm 20 kỳ thủ) đã ra đời được hơn 6 năm. Bên cạnh Ban chủ nhiệm do 2 cựu chiến binh Phạm Văn Khải (68 tuổi, đứng đầu) và Nhữ Văn Đoàn (60 tuổi, phó thường trực), còn có tổ cố vấn là CCB Nguyễn Xuân Mai, 84 tuổi và ông Nguyễn Xuân Trượng, 72 tuổi.

Tôn chỉ, mục đích của Hội Cờ tướng Nghĩa Dũng là "Bốn khuyến, một chống": Khuyến trí-rèn luyện trí lực, sự hiểu biết. Khuyến thiện-đoàn kết, làm điều tốt lành. Khuyến tài-nâng cao chiến thuật đánh cờ, vận dụng vào xử trí các tình huống trong cuộc sống. Khuyến nông-góp phần xây dựng nông thôn mới, "cờ hay đi liền cày giỏi". Hội kiên quyết chống "chơi cờ làm mờ nhân cách", nghiêm cấm chơi cờ ăn tiền, chơi cờ ở đường đi lối lại làm ảnh hưởng xấu đến mỹ quan làng xóm và cản trở giao thông. Mỗi khi có nước cờ hay, thế cờ lạ, các hội viên cùng nhau nghiên cứu học tập. Hằng năm, hội tổ chức thi đấu, chọn ra người giỏi. Hội là một trong những trụ cột khi làng xóm hội hè và là nòng cốt tham gia thi đấu theo lời mời của các làng bạn hoặc đi dự hội thi cấp huyện.

Tiếng lành đồn xa, Hội Cờ tướng Nghĩa Dũng đã được nhiều người dân ở các xã trong huyện như Kỳ Sơn, Hưng Đạo, Tây Kỳ... tự nguyện tìm đến xin gia nhập hội.


Ảnh & tin Báo quân đội nhân dân

No comments

Post a Comment