Nhiệt tâm với bộ môn cờ tướng, tham dự nhiều giải đấu lớn, được phong là đại sư cờ tướng nhưng anh Tô Tử Hùng vẫn khiêm tốn, hiền hòa… theo đuổi đam mê của mình.
Anh Tô Tử Hùng là một trong những danh thủ Cờ Tướng tại Úc. Trình độ cờ rất cao, nhưng Anh là người khiêm tốn, hiền hòa. Nhiệt tâm với môn chơi trí tuệ nầy, Anh thường tham dự nhiều cuộc thi đấu tại Úc và thế giới. Anh đã được phong Đại sư và góp phần rất nhiều trong sự phát triển bộ môn Cờ Tướng. Anh hiện là Phó Hội Trưởng của một tổ chức Cờ tại Úc.
Chúng tôi đã yêu cầu anh chia xẻ về quá trình sinh hoạt Cờ Tướng trong đời và những kinh nghiệm cá nhân qua những lần thi đấu. Hôm nay rất vui nhận được bài viết của Anh và trân trọng giới thiệu với tất cả các bạn yêu cờ.
Trong đời chơi cờ amateur của tôi, có ba người thầy đã giúp đỡ tôi rất nhiều, xin ghi lại đây vài dòng để gọi là tri ân:
Sống và lớn lên trong một gia đình đông con, tôi mê Cờ Tướng từ nhỏ trong khi anh em tôi không ai chơi cờ cả. Tôi nhớ lúc đó khoảng 8, 9 tuổi, tôi hay chạy sang tiệm hớt tóc bác Tiến đối diện nhà để xem người lớn chơi cờ. Tiệm không lớn, chỉ để được ba chiếc ghế hớt tóc, Bác dành riêng một góc để bàn cờ với 32 quân cờ cũ kỷ đến nỗi khó phân biệt màu xanh hay đỏ.
Tôi thích qua tiệm vì khoái cái không khí vui nhộn của tiếng “chiếu tướng”, tiếng lóp bóp của những quân cờ chạm vào gỗ, tiếng cãi nhau chí chóe của bá tánh xin hoàn nước mà không cho, tiếng cười khoái trá khi ăn quân…Rồi dần dần tôi cũng biết được cách chơi, cũng học lén một số kỹ năng điều binh khiển tướng và chiếu bí. Nhưng tôi chỉ đứng chầu rìa, vì người lớn nào chịu chơi cờ với con nít.
Một buổi chiều mưa vắng khách, Bác Tiến thấy tôi qua, rủ tôi đánh cờ. Dĩ nhiên là tôi thua liểng xiểng, nhưng bác nói “Thằng nhóc con không ai dạy mà đánh như vậy là khá lắm”. Nhân đó tôi xin bác nhận tôi làm đệ tử. Bác hiền hòa nói: “Cờ tao thuộc loại vịt bác thảo, chỉ cho mầy vài chiêu thì được, chứ nhận làm thầy người ta cười chết!”. Tới bây giờ tôi cũng chưa hiểu vịt bác thảo là vịt gì. Nói những lời ấy rồi bác cười khoái chí, còn tôi cũng mừng vì gặp một minh sư.
Từ đó, mỗi tối thứ Bảy, sau giờ cơm là tôi chạy sang nhà bác học nghề. Tuyệt kỷ của bác là quá cung pháo (pháo 2 bình 6). Đó là những bài học vỡ lòng mà tôi vẫn còn ghi khắc sâu đậm trong ký ức. Tôi khám phá những phương thức gài bẫy, dụ địch thâm nhập, rồi khi thời cơ chin mùi, phục binh đồng loạt, trói giặc giết tướng…Tôi hầu như bị cuốn hút vào những biến hóa vi diệu khôn lường của Cờ Tướng, như người đang khát gặp dòng nước trong xanh. Ngoài việc dạy cờ, bác còn dạy tôi học cách làm người. Cuộc cờ cũng như cuộc đời thu gọn, ván cờ là ván trò đời trong xã hội, hay những mặt trận thu hẹp của chiến tranh. Lúc đó vì còn nhỏ tôi chưa hiểu những ý nghĩa cao xa ấy, nhưng bây giờ tôi vẫn còn nhớ nằm lòng những lời của bác Tiến “Con người sống phải khiêm cung, đạo đức, và phải thể hiện những phẩm chất cao quí ấy qua việc chơi cờ. Người đánh cờ giỏi chưa đủ, mà còn phải có phẩm cờ cao thượng!”.
Mẹ tôi biết tôi học cờ, cấm tôi lân la đến tiệm bác Tiến, sợ tôi hư. Nhưng ba tôi thì khoan dung hơn, ông nói con nít chơi cờ không hại gì, miễn là không ảnh hưởng đến việc học hành. Mặc khác, cờ là một môn chơi trí tuệ, giúp phát triển tư duy, tạo cho ta những đức tính quí báu như kiên nghị, bình tĩnh, nhẫn nại…Mẹ tôi không còn phản đối nữa. Còn tôi thì hứa học giỏi hơn, để tiếp tục được chơi cờ.
Xuân qua Thu lại, thời gian thấm thoát đã năm năm. Một hôm tôi nghe tin bác Tiến “mất tích” trong một tai nạn xe cộ và tiệm tóc cũng đóng cửa. Sau 1975 tôi mới biết đó chỉ là “ngụy trang mất tích”. Cũng từ đó tôi mất thầy và chỉ chơi cờ theo bản năng có sẵn. Thời gian đó xuất hiện một tay chơi cờ cơm gạo, chuyên đánh độ ăn tiền. Đó là ông Tám Vác Gạo (hiện vẫn còn sống, đã ngoài 80). Ông bày cờ thế hoặc đánh cờ bàn, chấp “khách” 2 mã, 1 mã, 3 nước, 2 nước v.v…tùy theo trình độ và kiếm sống thoải mái. Tôi có ông bạn ở Đà-lạt đã từng cúng cho ông Tám lai rai và dài dài từ 2 ngựa, 1 ngựa, 3 tiên…rồi đến đánh đồng, ròng rã suốt 3 năm. Đến khi đánh đồng ông Tám cũng thua, thì ông đòi “nghỉ chơi”, ông nói: “Tao quánh cờ để kiếm sống, ngu gì ăn thua với chú mầy!”. Khoảng thời gian đó tôi tạm gát cờ qua một bên, lo việc đèn sách thi cử.
Rồi một biến cố lịch sử đã xảy ra làm thay đổi cục diện đất nước. Sau cuộc đổi đời 1975, một nhân vật trẻ tử Quảng Ngãi xuất hiện tại Đà-lạt. Anh đến học tại viện đại học Đà-lạt. Học hành thề nào chẳng biết, nhưng tôi thấy anh đánh cờ độ hoài. Tôi đã làm quen anh ta, đó là Trần Hữu Ngang, một danh thủ cờ tướng hiện sống tại Melbourne, nước Úc. Anh là thầy cờ tướng và là bạn thân của tôi. Lúc bấy giờ Ngang đang ở đỉnh cao phong độ, đi pháo đàu rất bền, công thủ kiêm bị, cờ tàn lão luyện. Sở trường của anh anh là chấp nước hoặc chấp con. Anh xuất hiện như một cơn lốc xoáy quét dọc quét ngang kỳ đàn Đà-lạt. Thời đó anh Ngang chấp tôi một mã mà vẫn thắng dễ dàng, tại cờ tôi quá “dzịt”. Anh là người cương trực, dễ thương nhưng cũng dễ nổi nóng. Làm bạn với anh không sợ bị phản bội. Tôi nói anh là thầy tôi cũng không quá đáng, là vì anh tận tình truyền những món “nghề ruột” cho tôi., không dấu diếm, không để dành một ngón đòn phòng thân nào. Sau nầy anh đến Melbourne cũng từng đại diện cho Úc tham gia những giải cờ tướng quốc tế, mang danh dự về cho làng cờ tại Úc. Hiện nay sức khỏe suy yếu không cho phép anh tiếp tục.
Năm 1983 tôi đến sống tại Brisbane, Queensland. Xứ lạ quê người, tôi phải lao mình vào cuộc sống để kiến tạo vật chất và bảo lãnh thân nhân còn kẹt lại. Suốt một thời gian dài không đụng đến cờ. Dân ta lúc đó còn ít, những tiệm tạp hóa Việt Hoa chỉ có một số nhỏ ở West End, nơi tôi sinh sống. Một lần tình cờ tôi thấy tờ giấy dán ở cửa tiệm, nội dung đại ý “Người hâm mộ Cờ Tướng muốn trao đổi với các bạn cùng chí hướng…xin liên lạc…”. Tôi mừng quá vội tìm đến. Bây giờ tôi không nhớ tên anh, cũng không biết anh còn ở Brisbane hay dời chỗ khác. Nếu anh đọc được những dòng chữ nầy, xin vui lòng liên lạc để ôn lại kỷ niệm xưa. Và một người bạn nữa, anh Nguyễn Thế Minh Đức, một cao thủ của tiểu bang nắng ấm Queesland, đã từng đoạt hạng nhì giải Cờ Tướng toàn Úc 1992.
Năm 1991 tôi dọn về Melbourne và hân hạnh làm quen với một số anh em cao thủ, như Nguyễn Ngọc Thạch, Hoàng Wheel, Hùng Nhí, Ông Phương, Hào, anh em Trần Bá Hiền v.v…Tôi nhớ có lần anh Liêu muốn “ăn thua đủ” với anh Thạch, liên tiếp ba Chủ Nhựt đến nhà tôi giao chiến từ sáng đến tối. Kết quả cuộc thử lửa nầy anh Thạch chiếm thế thượng phong.
Năm 1993 tôi được làm quen với anh Andrew Yang, một cao thủ từ Thượng Hải, đã nhiều lần đoạt thứ hạng cao trong các cuộc tranh giải toàn Úc hay quốc tế. Anh hiện là người duy nhất giữ danh hiệu Grand Master ở Úc do Liên đoàn Cờ Tướng Á châu phong tặng. Anh là người thầy thứ ba của tôi. Mỗi lần có dịp công tác tại Melbourne anh đều ghé nhà tôi để trao đổi kỳ nghệ. Anh chỉ tôi những thế trận phế con tranh tiên, những cạm bẫy khai cuộc, những thế hạ phong cầu hòa v.v…Cách đánh của anh là vừa công vừa thủ, ăn chắc mặc bền, sở trường biến ưu thế nhỏ thành lợi thế lớn, nhạy bén trong việc phát hiện sơ hở của dối phương. Anh tặng tôi nhiều tạp chí cờ tướng Trung quốc mới nhất để theo dõi những khai cuộc thịnh hành hiện đại. Và anh truyền đạt cho tôi những lý luận cờ tướng, để qua đó trong thực chiến tùy theo tình huống mà biết xử lý nhanh chóng, tấn công hay phòng thủ…
Năm 1991 tôi bắt đầu tham dự các giải Cờ Tướng toàn Úc. Nhưng rồi bận rộn với công việc làm ăn, tạm gián đoạn một thời gian cho đến sau năm 2000 mới lại tiếp tục. Những thành tích mà tôi đạt được theo thứ tự như sau:
1991: Hạng 2 giải toàn quốc tại Melbourne do Australia Xiangqi Federation.
1992: Hạng 1 giải toàn quốc Melbourne do Australia Xiangqi Federation.
1993: Hạng 1 giải toàn quốc tại Melbourne do Australia Xiangqi Federation.
2003: Hạng 3 giải toàn quốc Melbourne do Australia Xiangqi Federation, Hạng 2 giải Ethnic Chinese Happy Age Melbourne.
2006: Hạng 2 giải Kim Bài Đại Giải tại Sydney.
2007: Hạng 2 giải toàn quốc Australia Xiangqi Federation tại Melbourne.
2010: Hạng 2 giải Australia Friendship Chess Tournament, Springvale.
2011: hạng 1 giải toàn quốc Australia Xiangqi Federation, Melbourne.
2008: tôi nhận được danh hiệu Master Cờ Tướng Á châu do Asia Xiangqi Federation phong tặng.
1993: Hạng 1 giải toàn quốc tại Melbourne do Australia Xiangqi Federation.
2003: Hạng 3 giải toàn quốc Melbourne do Australia Xiangqi Federation, Hạng 2 giải Ethnic Chinese Happy Age Melbourne.
2006: Hạng 2 giải Kim Bài Đại Giải tại Sydney.
2007: Hạng 2 giải toàn quốc Australia Xiangqi Federation tại Melbourne.
2010: Hạng 2 giải Australia Friendship Chess Tournament, Springvale.
2011: hạng 1 giải toàn quốc Australia Xiangqi Federation, Melbourne.
2008: tôi nhận được danh hiệu Master Cờ Tướng Á châu do Asia Xiangqi Federation phong tặng.
“Văn ôn, vỏ luyện”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim” đó là những phương ngôn ông cha ta để lại từ ngàn xưa, nhằm khuyên con cháu muốn đạt thành công thì phải bỏ công, trả giá. Cờ Tướng cũng thế, muốn có thành tích thì phải trải qua quá trình tập luyện gian khổ. Tôi hoàn toàn đồng ý với lý luận “Có Khó Mới Nên Người”.
Về cách luyện cờ sao cho giỏi thì sách báo đã nói quá nhiều, tôi chỉ góp ý là mỗi ngày chỉ đánh một ván cờ thôi. Nhưng phải đánh thật nghiêm chỉnh như đang thật sự thi đấu, nghĩa là mỗi bước đi đều có sự suy tính kỹ lưỡng, không lụp chụp. Rồi sau đó dù thắng hay thua cũng ngừng và sắp lại bàn cờ từ đầu đến cuối để tìm những nước đi yếu của mình và của đối phương. Việc làm nầy thật khô khan và vô vị, đòi hỏi sự kiên trì lâu dài, rồi sẽ trở thành một thói quen, vì có khó mới nên người! May mắn là ngày nay chúng ta có computer, có software cờ tướng, nếu có thắc mắc cứ “hỏi” computer là tìm được câu giải đáp. Những grand master ở Trung quốc từng tập luyện như thế. Các bạn trẻ ở Úc, những người sẽ nối tiếp làm rạng danh làng cờ Miệt Dưới, cứ thực hành như thế sẽ thấy kết quả khả quan.
Theo kinh nghiệm thi đấu, ngoài những khả năng, kỷ xảo, tự tin, tinh thần sung mãn…tôi cho rằng nên giữ một Bình Thường Tâm. Đây chính là một chất tố tâm lý phải có của một kỳ thủ ưu tú. Bình Thường Tâm là bí quyết, giữ vai trò rất quan trọng trong tất cả quá trình thi đấu của một tay chơi cờ chuyên nghiệp!
No comments
Post a Comment